4 dáng cây cơ bản của cây cảnh
1. Dáng trực:
Cây có dáng đứng thẳng. Trong thiên nhiên, những cây này được sống và phát triển trong điều kiện thuận lợi, không bị phong ba bão táp, lũ quét, sét đánh. Đất đủ điều kiện cho rễ cây hoặc trồng giữa thành phố.
Hình 1: Bonsai dáng trực
Đưa dáng này vào cây cảnh phải được nghệ thuật hóa. Cây đứng thẳng là nhìn tổng thể. Nét cơ bản là đối chiếu gốc và ngọn hình thành một đường thẳng đứng hoặc gần thẳng đứng. Còn thân tuyệt đối không bao giờ được thẳng tuột. Thẳng tuột là xấu, thậm chí từ gốc đến ngọn cũng không một đoạn nào được thẳng đuỗn như khúc luồng. Dáng trực của cây thế Việt Nam gốc có thể trồng thẳng đứng hoặc hơi nghiêng một chút cho thêm phần sinh động. Thân phải khúc khuỷu uốn lượn, nhiều khi xuất hiện nét đột biến ngoạn mục. Nhưng bao giờ đường nét cũng phải dứt khoát, không ngập ngừng do dự. Trong cây cảnh, thế cây là thế người. Cây trong thiên nhiên thì nhiều cây thẳng tuột, nhưng cây cảnh thì hoàn toàn không được. Bởi vì con người dù được sống trong điều kiện thuận lợi đến đâu cũng không phải cứ tự nhiên mà tuồn tuột nên người. Nhất định phải gặp trắc trở. Những người có ý chí, biết vận động tự thân, biết vượt qua mọi khó khăn, cản trở để vươn lên theo lý tưởng cao đẹp mới thành đạt và mới là con người đáng ngưỡng kính.
Thân cây cũng nói lên ý tưởng đấu tranh: muốn trực thẳng phải đấu tranh (đấu tranh bản thân, đấu tranh xã hội, đấu tranh thiên nhiên), có đấu tranh mới trực thẳng được.
Dáng trực của cây còn biểu hiện những con người có bản lĩnh, có khí tiết anh hùng bất khuất.
Mấy ngàn năm lịch sử là mấy ngàn năm dân tộc ta phải đấu tranh gan góc và cực kỳ anh dũng để tồn tại và vươn lên chiến thắng. Vì vậy dáng trực của cây cảnh Việt Nam là nhiều thế nhất.
Trong cây cảnh cổ, các dáng siêu, hoành, huyền ít thế hơn.
2. Dáng siêu
Cây có dáng đứng nghiêng. Trong thiên nhiên, những cây gặp trắc trở bị thiên tai, địch họa quật đổ nghiêng. Nhưng cây vẫn sống và vươn lên. Đưa dáng cây này vào cây cảnh nghệ thuật ngụ ý nêu gương những con người có sức sống và có tinh thần đấu tranh để tồn tại. Thí dụ thế “Bạt phong hồi đầu”. Về thẩm mỹ, cây dáng siêu còn có nét đẹp mềm mại, nhã nhặn, bay bướm, thơ mộng.
Hình 2: Cây sanh dáng siêu
3. Dáng hoành
Cây có dáng nằm ngang mặt chậu. Ngoài thực tế có những cây điều kiện sống khó khăn hơn cây dáng siêu. Có thể lớp đất sống mỏng hẹp, rễ cây không ăn sâu, ăn xa được. Kết cấu đất không chắc, trời mưa, nước thoát chậm khiến đất bị nhũn. Trận bão đã quật đổ nằm hẳn xuống mặt đất. Thê mà cây vẫn sống, vẫn nảy cành, vươn ngọn. Hoặc cây mọc từ vách núi vươn ngang ra thành dáng hoành. Sống bám đá cheo leo như vậy mà cây đã thắng cả giông tố để tồn tại và vươn lên. Ngọn luôn hướng về gốc rễ cội nguồn.
Hình 3: Mai chiếu thủy dáng hoành
Đưa dáng cây này vào cây cảnh, ông cha ta muốn ca ngợi những con người đầy ý chí, đầy nghị lực vượt lên trên hoàn cảnh bất hạnh, sống ngoan cường.
Về thẩm mỹ, dáng cây này khác thường, khá ngoạn mục. Để cho cây được cân đối, thăng bằng, ngoài các cành khác, thường có một cành vươn cao thẳng lên trời gọi là cành nghinh phong (đón gió) và một cành buông thấp xuống dưới miệng chậu gọi là cành chiếu thủy (soi nước). Hai cành này đều phóng nhiều tầng thật thoáng.
4. Dáng huyền
Cây có gốc trong chậu nhưng thân cây trườn qua mép chậu đổ xuống phía dưới đáy chậu.
Hình 4: Cây Sanh dáng huyền
Trong thiên nhiên, những cây này phải sống trong hoàn cảnh nghiệt ngã nhất. Có thể nói hoàn toàn không có một chút thuận lợi, chỉ có khó khăn bất hạnh. Cây đã mọc ở sườn núi đá, không có đất ăn, rễ cây phải tự tiết ra axit phá hủy đá dần dần từng tý, từng tý một, kiên trì bám hốc đá mà sống. Trong khi thiên nhiên lại luôn gieo tại họa: nắng lửa, mưa ngàn, bão tố, lũ quét … khủng khiếp. Cây bị bật gốc, đổ dốc ngược ngọn theo dốc núi. Thật là kỳ diệu, chỉ có sức sống tự thân trong cây mà gốc cây vẫn bám chắc được vào vách núi, sống treo lơ lửng giữa trời mây, vấn xanh tốt, vẫn vươn lên và quay ngọn về phía gốc (cội nguồn sinh ra)
Đưa dáng cây này vào chậu, nâng niu trân trọng đặt lên đôn, cây cảnh nghệ thuật như khắc họa một lời tuyên ngôn: con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam tuyệt vời can trường, bất diệt và cũng lãng mạn vô cùng.
Về thẩm mỹ, dáng huyền là kỳ dị nhất, nhìn thơ mộng nhất. Điệu đi của cây mềm mại, duyên dáng. Cây cành buông thả tự nhiên, không gò bó. Các chi có thể có hai ba tầng, thoáng đạt, phóng khoáng, không gò và bông tán. Ngọn lượn ngoặt lên hướng về phía gốc. Toàn cây trông thật yểu điệu, duyên dáng. Chẳng thế thời xưa Lý Bạch trên đường vào Ba Thục thấy một cây tùng già lộn ngược, tựa vào vách đá đẹp quá đá thốt lên: “Khô tùng đèo quải ỷ tuyệt bích”. Một biến cố thiên nhiên sụt lở đất đá bất ngờ tạo nên cây tùng dáng huyền, đó là nét kỳ lạ, đỉnh cao của vẻ đẹp.
Như vây, cây cảnh chỉ nên quy vào bốn dáng cơ bản: trực hoặc gần trực cũng gọi là trực, xiêu nhiều, xiêu ít cũng chỉ là xiêu, hoành thì rõ rồi, tất nhiên không cứ phải hoành hẳn, còn huyền nhiều, huyền ít, lượn gập thế nào cũng là huyền. Ngoài ra, còn có những cây ghép dáng. Cách gọi tên là gọi cả hai dáng, đôi khi có thể thì gọi cả tên thế trước. Thí dụ:
Cây có hai thân xiêu gọi là dáng song xiêu. Hai thân xiêu về một phía chứ không ai chơi hai thân xiêu về hai phía thành hình chữ V, nhìn không vào mắt. Nếu cây lớn cao hơn cây bé cái đầu thì gọi là huynh đệ song xiêu.
Cây có một thân trực (cao hơn), một thân xiêu (ngắn hơn) gọi là dáng trực xiêu.
Ít ai chơi thân trực hoành tạo một góc vuông dựng nhìn thô cứng.
Cây có một thân xiêu, một thân hoành (nêú ngẵn hơn thân xiêu) gọi là dáng siêu hoành.
Cây có hai thân hoành gọi là dáng song hoành. Thường chỉ chơi hai thân hoành một phía, ít ai chơi hai thân hoành hai phía tạo thành một đường thẳng nằm ngang chậu, không đẹp.
Cây có một thân trực (thấp), một thân huyền dài hơn gọi là dáng huyền.
Cây có một thân xiêu, một thân huyền (nên dài hơn thân hoành) gọi là dáng hoàng huyền.
Cây có hai thân huyền gọi là dáng song huyền, thường chơi hai thân huyền về cung một phía, ít ai chơi hai thân huyền đối phía với nhau.
Như vậy, người làm cây cảnh đẹp cần có con mắt thẩm mỹ sao cho “đẹp mắt ta ra mắt người”