Những cây cảnh độc trưng bày dịp Tết
Hình 1: Triển lãm cây cảnh nghệ thuật
Triển lãm cây cảnh nghệ thuật và hoa trên diện tích 4.000 m2 trước di tích Đoan Môn - khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, bắt đầu từ sáng 20/1. Triển lãm có sự tham gia của các nghệ nhân cây cảnh, hội sinh vật cảnh, hội cây cảnh nghệ thuật, CLB cây cảnh nhà vườn đến từ 20 tỉnh thành.
Hình 2: Tác phẩm Duối của Dương Trần Nghị
Các cây cảnh tại triển lãm không tiết lộ giá song có rất nhiều tác phẩm thuộc vào loại hiếm và độc đạo, trị giá tới tiền tỷ. Trong ảnh là tác phẩm Duối của Dương Trần Nghị.
Hình 3: Tác phẩm Ổi tàu của Thế Hưng
Việc trồng cây cảnh có từ thời Lý - Trần, được truyền nghề với những kỹ thuật và nghệ thuật bí truyền. Tác phẩm Ổi tàu của Thế Hưng.
Hình 4: Tác phẩm Ngọa Long trườn núi của Trần Phúc Trình
Hà Nội xưa có các làng trồng cây cảnh nổi tiếng như Quảng Bá, Nghi Tàm, Hữu Tiệp, Ngọc Hà, Vị Khê, Tương Mai, Vĩnh Tuy... Các gia đình thường phối hợp với nghề trồng hoa và nuôi chim, cá cảnh. Tác phẩm Ngọa Long trườn núi của Trần Phúc Trình đến từ Thái Nguyên.
Hình 5: Cây sanh thế của tác giả Thế Hưng.
Thông thường cây cảnh được chia làm 3 nhóm: nhóm trồng ươm chuẩn bị cho công việc ghép, nén, uốn; nhóm phối hợp với non bộ và nhóm cây thế có dáng đứng, điệu vươn hình hài toát lên một chủ đề, một ý niệm tư tưởng. Trong ảnh là một cây sanh thế của tác giả Thế Hưng.
Hình 6: Tác phẩm Tùng cối của Nguyễn Vân Hương
Ông Văn, một người chơi cây cảnh có mặt tại triển lãm cho biết, chậu cây thế có thể ghép với một hoặc hai cây khác để hòa vào một tổng thể nhằm thể hiện ý tưởng hay tâm trạng nào đó. Tác phẩm Tùng cối của Nguyễn Vân Hương.
Hình 7: Tác phẩm Nguyệt quế của tác giả Công Nguyệt Quế
Trong số hơn 1.500 tác phẩm, chủ yếu là các loại cây sanh, si, tùng, bách, phi lao, thông, duối. Riêng sanh và si chiếm số lượng lớn với 80%. Tác phẩm Nguyệt quế của tác giả Công Nguyệt Quế.
Hình 8: Cây nhãn cổ của tác giả Nguyễn Thu Hoàn đến từ Phú Thọ
Giới chơi cây cảnh thường thích các thế cây như ngũ phúc, phượng bay, huynh đệ, rồng sa, sóng đôi, đợi gió, mẫu tử, hiền triết... Trong ảnh là cây nhãn cổ của tác giả Nguyễn Thu Hoàn đến từ Phú Thọ.
Hình 9: Cây tùng cổ thụ
"Muốn có một cây tùng nhỏ hay một con rồng bay phải mất 5 đến 6 năm", một nghệ nhân tiết lộ. Trong ảnh là cây tùng cổ thụ.
Hình 10: Bình lộc vừng nhỏ với dáng khá đẹp
Nhiều nghệ nhân còn sử dụng các khối đá bọt, đá xanh có dáng dấp tự nhiên đem về đẽo đục gia công thành hình khối đa dạng, làm thành hòn non bộ để ghép vào cây. Trong ảnh là một bình lộc vừng nhỏ với dáng khá đẹp.
Hình 11: Tác phẩm Hoa giấy của Nguyễn Hoàng Long
Có những cây tạo thế theo tứ một bài thơ hay hoặc gợi lên một điều vương vấn, bâng khuâng. Tác phẩm Hoa giấy của Nguyễn Hoàng Long.
Hoàng Hà - Vnexpress