Hội chợ cây cảnh Xuân Trường - Nam Định
Từ lâu, Xuân Trường đã là một địa phương nổi tiếng về phong trào sinh vật cảnh, người viết bài này đã từng được xem nhiều tác phẩm sinh vật cảnh (SVC) của một số nghệ nhân nổi tiếng, nhưng đến hội chợ lần này, mới thấy hết sự phong phú, lòng say mê và tài năng sáng tạo của những người nông dân ở một huyện thuần nông. Hầu hết những tác phẩm trưng bày tại hội chợ là của các hội viên hội SVC các xã, tức là trước hết, họ là những nông dân chính cống, sáng tạo nên những tác phẩm SVC chỉ là công việc “tay trái” của họ trong lúc nông nhàn.
Ông Bùi Công Tuần, hội viên Hội SVC xã Thọ Nghiệp, kể rằng ông bắt đầu chơi cây cảnh cách đây 6 năm, hiện nhà ông có hơn 60 cây thế. Lần này, cả Hội SVC của xã mang lên góp mặt với hội chợ tổng cộng 63 cây. Ông Ngô Thành An, Chủ tịch Hội SVC xã Thọ Nghiệp chỉ có một trong số 63 cây ấy, nhưng là một cây vạn tuế có tên “mẫu tử” vô cùng độc đáo, có tuổi đời trên 40 năm.
Các hội viên ở các CLB địa phương khác cũng “mỗi người một vẻ”. Ông Vũ Ngọc Ngân có cây sanh “long cổ”, ông Vũ Xuân Vinh góp cây sanh “giang siêu”, ông Nguyễn Đức Nghiêm có cây sanh “long giáng”, ông Trần Văn Hùng có cây sanh “nhất trụ kình thiên”, ông Mai Văn Hảo có cây sanh “tam đa”. Ông Nguyễn Văn Tương ở Hải Dương góp vào hội chợ một cây phi lao “phản phong thủ thế”. Xem cây, một lão ông gật gù bảo tôi:
- Ông có thấy gì khi xem cái cây này không? Nó là cái thế của một con người dày dạn phong sương, vừa kiên cường vừa ngạo nghễ trước phong ba bão táp, là “nghênh diện thu phong trận trận hàn” như lời thơ của Cụ Hồ đấy.
- Nói về giá trị nghệ thuật của cây thế thì nó thật vô cùng nhưng quan trọng nhất là cái giá trị ấy nó phụ thuộc vào con mắt, vào kiến thức của từng người, như thể âm nhạc phụ thuộc vào trình độ thẩm âm của người nghe vậy. Có người nghe một bản đàn chỉ thấy tửng từng tưng, nhưng cũng bản đàn ấy, có người lại thấy “Trong hoa, oanh ríu rít nhau/ Suối tuôn róc rách chảy thâu xuống ghềnh”. Xem cây, ngoài vẻ bề ngoài như dáng, thế…của cây, còn phải đọc ra được cái ý tưởng, cái triết lý mà chủ nhân của cây gửi gắm trong đó.
Hội chợ, ngoài việc là một nơi gặp gỡ, giao lưu, học hỏi lẫn nhau về nghệ thuật, tay nghề và kinh nghiệm của các hội viên, còn là nơi trao đổi, mua bán cây cảnh thế khá nhộn nhịp. Đã có hàng chục cây thế được khách hàng từ khắp nơi về mua. Ông Ngô Thành An cho biết:
- Cây nào tham gia hội chợ cũng có biển đề tên, địa chỉ, số điện thoại của chủ nhân, và chỉ sau khi kết thúc hội chợ mới được mang cây về. Vì vậy việc trao đổi, mua bán thường diễn ra trực tiếp giữa khách hàng với chủ cây. Khi việc mua bán đã thành, chủ nhân của cây chỉ việc thay biển mang tên mình thành biển mang tên khách mua. Hết hội chợ, người mua cây cảnh xuất trình CMND của mình cho ban tổ chức rồi mang cây về, không phải nộp bất cứ một chi phí nào. Nói về giá trị vật chất, thì cây thấp nhất tại hội chợ này cũng có giá vài chục triệu đồng. Trong số những cây đã được bán từ hôm hội chợ mở tới nay, tôi biết có những cây trị giá hai tỷ hay hơn một tỷ.
Cây phi lao thế " Chiến tranh khốn cùng nỗi đau"
Cây phi lao "Chữ Tâm"
Dưới đây là một số hình ảnh tại Hội chợ cây cảnh Xuân Trường - Nam Định: