Kinh nghiệm trồng hoa lan Cattleya
1. Yếu tố quyết định cây lan
Đó là môi trường và nguồn nước, hai yếu tố này quyết định 60 - 70% sự phát triển cây lan. Lan Cattleya cần ánh sáng đầy đủ mỗi ngày từ 8 tiếng trở lên, thông thoáng gió, độ ẩm 60 - 70%, giàn lan có lưới che. Cây con mới trồng, cây mới tách chiết che 70%. Cây mới trưởng thành che 50 - 60%, có nguồn nước tưới ổn định, sử dụng nước máy chứa vào bồn 24 tiếng trở lên hoặc nước mưa… Khi chọn cây lan trồng, ngoài yếu tố đẹp chú ý giống lan thích hợp với thời tiết, chọn cây siêng ra hoa, hoa đẹp. Dùng chậu nhựa đường kính 16 - 18 cm, chất trồng là dớn cọng, than, than gáo dừa… Nếu trồng than thì chặt nhỏ cỡ ngón tay cái đến ngón chân cái, sau khi chặt nhỏ than xong đem ngâm nước cho trôi hết bụi, dùng than sạch, nếu trồng dớn cọng cũng phải ngâm như than.
2. Trồng cây lan con
Cây con nhập về ở trong chậu nhựa mềm đường kính 6 - 8 cm, dùng tay bóp nhẹ xung quanh chậu mềm cho rễ bong tróc ra, sau đó lật úp chậu lấy cây con cùng chất trồng ra, đặt hoặc cột dây nylon giữ cho cây không bị nghiêng ngã, bỏ thêm than hoặc dớn cọng vào phần còn trống, treo chậu lan vào chỗ lưới che 70% nắng. Dùng Physan 20 với liều lượng 1% pha 1 lít nước phun xịt ướt toàn thân rễ, lá… để diệt khuẩn, ngừa rêu. Để khô 1 - 2 ngày, sau đó tưới vitamin B1 pha 1 cc/lít nước để dưỡng rễ và kích thích ra rễ mới. Đến khi cây ra rễ mới mạnh, bắt đầu dùng phân NPK 30-10-10 liều lượng loãng (phân nửa liều lượng bình thường) kết hợp với tưới đạm cá nửa tháng 1 lần. Lúc thấy bộ rễ đã ổn định, nhiều rễ, chuyển từ từ sang liều lượng bình thường. Khi cây nhảy chồi mới, phát triển mạnh, đổi sang phân NPK 20-20-20.
3. Trồng lan tách chiết
Đối với trồng cây tách chiết, thì mỗi đơn vị cắt là 2 - 3 tép, phải cắt đúng “thì”, tức lúc cây vừa ra rễ non. Sau khi tách tép, nhúng vào Physan pha 1 cc/lít nước, để khô rồi ngâm tiếp vào thuốc trừ nấm, rồi đem treo ở chỗ râm mát một vài ngày thì tiến hành trồng.
Khi trồng phải cột chặt đơn vị (tép lan) vào cây ti (để giữ cố định), hoặc cột vào móc chậu cảnh để cây không bị lay động khi tưới hoặc gió mạnh, xoay hướng phát triển vào trong chậu, bỏ chất trồng vào chậu cho đầy lên cách đầu rễ non khoảng 1 - 2 cm, cẩn thận đừng để chất trồng va chạm vào đầu rễ non.
Đem chậu lan mới trồng vào chỗ lưới che 70% nắng, tưới vitamin B1, pha 1 cc/lít để kích thích ra rễ, lúc cây ra rễ mạnh, dùng phân 30-10-10 pha loãng (50% liều lượng) kết hợp với vitamin B1 tưới xen kẽ 5 ngày 1 lần, đến khi cây nhảy chồi mới, ra rễ nhiều có thể tăng lượng phân bình thường và đạm cá. Khi cây hoàn chỉnh 1 tép mới thì đổi sang phân NPK 20-20-20 (tỷ lệ cân bằng) và chủ yếu dùng phân NPK 20-20-20 và đạm cá. Nuôi trồng lan Cattleya ta nên dùng phân với liều lượng loãng, tưới nhiều lần (nếu có điều kiện), ví dụ liều lượng bình thường là 1 g/lít/tuần/lần thì ta dùng 1 g/2 lít/tuần/2 lần, như thế không sợ bị “sốc” cây.
4. Chăm sóc cây ra hoa
Lan Cattleya con sau khi trồng khoảng 12 - 15 tháng nếu thấy cây phát triển tốt, giả hành cao lớn, nhảy chồi mới mập, khỏe, cây trồng được 6 - 7 tép, phát triển tốt là những cây có thể ra hoa. Chỉ kích ra hoa những cây khỏe mạnh. Khi cây đạt những yêu cầu cần thiết để ra hoa thì tiến hành bón phân. Dùng phân NPK có tỷ lệ lân cao như 19-31-17, 11-35-15, 6-30-30… để kích ra hoa. Kết hợp với việc đưa chậu ra chỗ sáng hơn, đồng thời giảm nước tưới 50%... Khi điều khiển lan Cattleya ra hoa thì chú ý rằng “tăng lân, giảm nước, tăng ánh sáng”.
5. Phòng ngừa bệnh hại
Ngừa bệnh hơn trị bệnh, khi cây lan bị bệnh nếu chữa khỏi cũng mất sức, mất thời gian hồi phục nên phòng ngừa là chính. Có thể sử dụng Aliette, Benomyl, Topsin… (nội hấp); Mancozeb, DithaneM45, Zinep (tiếp xúc). Để “ngừa bao vây” thì hôm nay dùng Aliette, ngày mai dùng Benomyl… ngày thứ ba dùng DithaneM45, hoặc Zinep… Diệt côn trùng, ốc sên thì sử dụng Lannatte.