Hướng dẫn trồng cây cho bể thủy sinh

107 0 1,4 K
27 đánh giá

1. Chọn một cái kẹp hoặc nhíp gắp

Để bố trí thích hợp các loài thực vật trong bể thuỷ sinh, bạn cần có một cái kẹp hoặc nhíp gắp. Với bể cá thông thường, có thể trồng các loài cây này bằng tay, và khá dễ dàng bởi vì bạn chỉ trồng có một ít mà thôi. Tuy nhiên, nếu trồng nhiều thân cây rậm rạp, hoặc bố trí ở những vị trí đặc biệt như tiền cảnh thì đòi hỏi bạn phải thật khéo léo. Tuỳ thuộc vào kiểu dáng, kích cỡ của bể và vị trí trồng mà ta dùng các loại kẹp hoặc nhíp khác nhau cho từng trường hợp. Hiện nay các loại nhíp gắp chuyên dụng để trồng cây thuỷ sinh có nhiều kích thước và hình dáng rất đa dạng, bạn có thể chọn lấy những loại dễ sử dụng nhất với mình. Để trồng những loài thân mảnh hoặc tạo hình một khung cảnh nhỏ hẹp thì một cái nhíp có đầu nhỏ và sắc là tốt nhất, ngược lại một cái kẹp có đầu to hơn sẽ dễ sử dụng nếu trồng những loài thuỷ sinh có họ rosette như Cryptocoryne và Echiodorus.

Hướng dẫn trồng cây cho bể thủy sinh 

2. Đặt lớp nền  

Dụng cụ đã sẵn sàng, đầu tiên phải đặt lớp nền và sau đó bố trí những vật liệu cấu tạo khác như đá hoặc gỗ. Với bể có kích thước 90 x 45 x 45cm, bạn sẽ rải 6 lít cát trên phần đáy bể và tiếp theo đổ khoảng 18 lít đất lên trên. Sau khi mặt nền đã phủ một lớp cát phẳng, ta sẽ rải từ từ những hạt đất lên thành lớp mỏng. Những hạt đất này sẽ giúp những loài thực vật nhỏ như Glosostigma mọc dễ dàng hơn và kích thích sự phát triển của rễ. 

3. Trồng các cây thuỷ sinh

Sau khi đã sắp xếp những mảnh gỗ hoặc đá xung quanh tuỳ theo ý thích, ta sẽ tiếp tục trồng các cây thuỷ sinh. Có một số nguyên tắc quan trọng trong việc trồng các loài thực vật này. Trước tiên là phải cho một lượng nước vừa đủ ngập mặt lớp nền vừa tạo. Đôi khi cũng có thể trồng thuỷ sinh trong bể chứa đầy nước, nhưng sẽ rất khó thực hiện, cho dù bạn dùng tới 2 nhíp gắp, bởi vì các loài cây này thường bị bật ra khỏi lớp đất nền. Sẽ càng khó hơn nếu ta trồng các thực vật có họ rosette bằng cách này. Về cơ bản, trong sơ đồ bố trí của bể thuỷ sinh, phải bắt đầu trồng từ mặt trước (tiền cảnh) và tiếp tục là phần giữa bể (trung cảnh), cuối cùng mới là phần hậu cảnh phía sau. Những cây thuỷ sinh trồng ở phần tiền cảnh phải là những loại ngắn và trải rộng khắp lớp đất nền. Những loài cây này thường được bán trong chậu cảnh nhỏ và trước khi mang trồng trong bể, bạn nên lấy chúng ra khỏi chậu và chia ra thành từng nhánh nhỏ để dễ trồng bằng cách dùng nhíp hoặc kẹp. Điểm quan trọng khi bố trí tiền cảnh là phải chừa một khoảng cách vừa đủ giữa các cây thuỷ sinh, bởi vì chúng sẽ còn bò lan ra. Và cũng chính vì thế mà cần phải để các cây thuỷ sinh này cách xa lớp cỏ trên mặt bể. Ở phần trung cảnh, chủ yếu thường trồng các loại cây rosette như Crytocoryne và Echinodorus. Với những loài này, để trồng chúng thì sau khi lấy ra khỏi chậu, ta dùng một cái nhíp gắp kẹp thật chắc vào phần rễ. Nếu phần gốc rễ này lớn và không dễ bám vào đất, bạn có thể đắp thêm đất phủ lên phần rễ này để cắm chặt cây xuống. Ở phần hậu cảnh, chủ yếu trồng các cây có thân cao. Sẽ dễ trồng hơn nếu bạn sắp cho thẳng hàng những thân cây bằng cách so các chùm lá và chồi phía trên đầu và cắt chúng cho dài bằng nhau. Đối với những cây đã mọc lá to, nên ngắt bớt những cái lá to nằm ở phần thân cây bị che khuất dưới lớp đất nền. Thông thường thì ta chỉ có thể dùng nhíp gắp để trồng từng cây một. Nhưng đối với các loại thuỷ sinh thân mảnh thì bạn có thể tạo ra được một bụi cây dày chỉ trong một thời gian ngắn, nếu như trồng nhiều thân cây cùng một lúc và kẹp chặt chúng với nhau bằng nhíp gắp. Điểm mấu chốt là phải cắm những cây thuỷ sinh nghiêng vào một góc trên lớp nền, bởi vì khi đã cho nước vào đầy bể thì những cây này có khuynh hướng bật ra khỏi đất nếu ta cắm vuông góc. Nếu bạn có ý định trồng nhiều loại thuỷ sinh khác nhau trên phần hậu cảnh thì quan trọng là phải sắp đặt từng loại và cắm những cọc nhỏ trên đất như giá đỡ cho cây và giúp cho toàn bộ kết cấu của bể thuỷ sinh ở trạng thái cân bằng tốt nhất. Khi việc trồng cây thủy sinh đã xong, ta sẽ cho đầy nước vào bể và dùng nhíp gắp để gỡ cho các nhánh cây không rối vào nhau, nhờ đó những chồi cây sẽ mọc hướng lên trên, và việc sắp đặt cảnh trí cho bể thuỷ sinh coi như hoàn tất.    

Bình luận