Cây chuối cảnh
Cây chuối là loài cây rất quen thuộc với chúng ta hàng ngàn năm nay. Từ những bài viết của Phật giáo về cây chuối trước công nguyên đến việc Alexandre Le Grand phát hiện cây chuối đầu tiên ở vùng Colombia-Britannique năm 325, rồi gần đây với sự khảo cổ phát hiện dấu vết trồng chuối từ thời 8.000-5.000 năm trước công nguyên đã cho thấy khả năng Papua-New-Guinea là nơi khởi sinh của các loài chuối.
Từ đó, nhiều loài chuối hoang dại đã được người Đông Nam Á thuần hóa thành những loài, giống chuối trồng phổ biến hiện nay kể cả chuối ăn quả và chuối kiểng. Người Việt Nam dùng tên “chuối” để chỉ chung cho nhiều tập hợp loài thuộc nhiều họ và chi khác nhau, từ một số chi trong họ Chuối – Musaceae, trong đó chi Musa có số lượng loài lớn nhất, bao gồm nhiều loài, giống chuối ăn quả, chuối lấy sợi và chuối kiểng, đến nhiều loài thuộc họ Ngải hoa – Cannaceae như chuối hoa, chuối củ…
Chỉ riêng trong hơn 50 loài chuối thuộc chi Musa, đã có nhiều loài chuối kiểng được nhiều nơi trên thế giới chọn làm cây cảnh quan. Ở Việt Nam, theo Gs. Phạm Hoàng Hộ (1993) có ít nhất là 5 loài chuối kiểng được trồng để trang trí tôn tạo cảnh quan. Trong số đó, theo chúng tôi được biết, hai trong những loài này khi dùng tên tiếng Việt thường gây nhầm lẫn là Musa ornata và Musa rosacea. Loài thứ nhất nếu dịch theo ngữ nghĩa từ tên khoa học thì nó là “chuối trang trí”, Gs Phạm Hoàng Hộ gọi là chuối cảnh đỏ, tên tiếng Anh là bronze banana; loài thứ hai Gs Phạm Hoàng Hộ gọi là chuối kiểng hay chuối hường, tên tiếng Anh là lotus banana (chuối sen), trong khi đó Phạm Hoàng Hộ gọi tên chuối sen cho một loài khác có tên khoa học là Musa coccinea. Theo tôi gọi Musa rosacea là chuối sen theo cách gọi tiếng Anh thì hợp lí hơn vì buồng hoa của nó có hình thái và màu sắc rất giống hoa sen. Điều làm cho nhiều người quan tâm băn khoăn là nhiều trang web thường công bố lẫn lộn chuối sen với chuối kiểng đỏ (Musa ornata).
Trong khi chuối sen được cho là phân bố ở vùng rừng ẩm của Thái Lan và có tài liệu cho là phân bố ở Ấn Độ thì chuối kiểng đỏ được cho là phân bố ở Bangladesh, Myanmar, Ấn Độ và cũng được tìm thấy ở cả Mauritius (Madagascar). Chuối sen thường được trồng làm cảnh ở một số nước Đông Nam Á và nhiều nước châu Âu, còn chuối kiểng đỏ thường được trồng ở các nước Đông Nam Á và châu Mỹ. Cả hai loài đều là dạng thân thảo đa niên nhờ thân ngầm (dân gian gọi là củ), thân giả khí sinh có kích thước nhỏ, thường cao 1,5-2,0 m, khi điều kiện sống tối ưu thì có thể đạt chiều cao 3,0 m. Đường kính thân giả khí sinh của chuối sen thường lớn hơn. Lá của cả hai loài có thể dài 1,8 m, rộng 35 cm, nhưng thông thường thì có chiều dài 1,0-1,5 m, rộng 20-25 cm.
Điểm khác biệt rõ nét để phân biệt chúng là màu sắc của những mo hoa: chuối sen có mo hoa màu hồng tía hay gọi cách khác là màu cánh sen; chuối kiểng đỏ có mo hoa màu đỏ tươi hay đỏ cam. Hiện nay các tài liệu nói về cách sử dụng cây chuối sen trong dinh dưỡng và y học không nhiều. Nhưng với chuối kiểng đỏ thì bắp có thể dùng chiên xào hoặc làm rau sống; rễ cũng thường được dùng trong y học truyền thống ở vùng Đông Bắc Ấn Độ; thân giả, thân hành và quả được đốt thành than để điều trị bệnh scorbut, dùng hỗ trợ tiêu hóa hoặc làm rượu bổ.
Chuối sen và chuối kiểng đỏ đều thích ẩm độ cao, sống được từ chỗ có ánh sáng toàn phần đến chỗ bị che bóng một phần nên có thể trồng để trang trí ngoài sân vườn hay trong nhà nơi có ánh sáng nhẹ. Cũng như các loài chuối khác, chuối sen và chuối kiểng đỏ sinh sản theo lối dinh dưỡng, có thể nhân giống bằng cách tách chồi từ thân ngầm.