Tản mạn về tiểu cảnh

72 0 1,1 K
29 đánh giá

Cây cảnh nghệ thuật đương đại Việt Nam phát triển tương đối đa dạng, nó phản ánh cuộc sống đa sắc màu và tư duy nghệ thuật mới; nó kế thừa vốn kiến thức của cha ông và tiếp biến phong cách mới của bạn bè quốc tế khá nhuần nhuyễn và đầy sức sáng tạo. Nhưng nó vẫn giữ được cốt cách riêng, thể hiện văn hóa Việt, một nền văn hóa với bề dày lịch sử hào hùng. Trong sân chơi nghệ thuật đó, tiểu cảnh là một hướng có thể phát triển mạnh mẽ, đóng góp nhiều tác phẩm có giá trị cao.

Tản mạn về tiểu cảnh

Trong sự phát triển chung của cây cảnh nghệ thuật Việt, tiểu cảnh được cấc nghệ nhân, nghệ sĩ quan tâm sáng tạo nhiều, cho ra nhiều tác phẩm đẹp, đưa chúng ta từ sắc thái này đến sắc thái khác. Sở dĩ có được sự phát triển tốt đó vì tiểu cảnh là mảng có nhiều chủ đề khai thác. Nó là bức tranh sống động, thể hiện một góc nhìn đẹp về nahan tình thế thái mà người nghệ nhân, nghệ sĩ đã từng trải nghiệm trong cuộc đời. Thông qua tiểu cảnh, người nghệ sĩ gửi gắm tình yêu quê hương đất nước, cũng có khi là triết lí cuộc sống trong mối quan hệ giao hòa giữa người với người, giữa người với thiên nhiên. Mỗi tiểu cảnh như một bức tranh nghệ thuật về thiên nhiên, đất nước. Tiểu cảnh là chủ đề sống động, đầy tiềm năng và dễ khai thác. Nó đến với người thưởng lãm dung dị mà đầy tính nhân văn, để lại trong lòng người thưởng lãm những ấn tượng đẹp khó phai. Nó cũng có thể đưa người ta về với những kỉ niệm, gần gũi mà yêu thương qua việc thể hiện cảnh cũ, người xưa. Ngoài giá trị về nghệ thuật nó còn là minh chứng về những thời khắc đẹp đầy tính nhân văn mà thế hệ cha ông và lịch sử Việt Nam đã đi qua.

Sáng tác ra những tiểu cảnh hẳn là những người đa cảm, đa tài. Họ không những thể hiện được những vẻ đẹp kì vĩ hôm nay mà còn thể hiện cả vẻ đẹp xưa cũ, nơi lưu giữ những kỉ niệm của một thời.

Như chúng ta đã biết: do sự phát triển mạnh mẽ của xã hội, những cảnh cũ nay không còn nhiều, chúng ta đang ra sức giữ gìn và bảo tồn những di sản đó. Nào là bến nước sân đình, nào là những cây đa đầu làng với những ngôi đình chùa, miếu mạo cổ… Chúng ta phát triển mạnh những tác phẩm tiểu cảnh cũng là góp một phần vào việc giữ gìn, bảo tồn vốn văn hóa cổ thông qua nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật sắp đặt.

Họ ý thức, cảm nhận được sự mất mát qua thời gian. Xây dựng tiểu cảnh là họ tìm được chính mình, nơi sinh ra hoặc đã đi qua trong cuộc đời. Tiểu cảnh đưa ta về với làng quê, sau lũy tre làng, nơi cha ông ta tảo tần sương gió, nơi cuộc sống bình yên với mùa màng, hạt thóc củ khoai nuôi ta khôn lớn, nơi cuộc sống bình dị không chút bon chen, đầy tình làng nghĩa xóm. Tiểu cảnh còn là tiếng quê hương, là tiếng lòng của những người con nặng trĩu ưu tư vẫn đau đáu nhớ về đất mẹ, nơi có hình cha dáng mẹ, nới có những cánh diều và lời hát ru ầu ơ nuôi dưỡng tâm hồn ta. Thật hạnh phúc khi giữa phố phường, ta có được một tiểu cảnh chở nỗi niềm ta về với quê hương.

Trong thực tế chúng ta còn thấy một số tiểu cảnh bài trí phức tạp, rối rắm. Thiết nghĩ chúng ta cần chắt lọc hơn, tìm hiểu sâu sắc hơn về xuất xứ lịch sử của các phong cảnh, di tích… và xác định tỉ lệ to nhỏ của chúng sao cho phù hợp với tỉ lệ của không gian thì chúng ta sẽ có được những tác phẩm hoàn chỉnh hơn.

Viết ra đây những suy tư trăn trở, chia sẻ cùng bạn đọc yêu sinh vật cảnh, mong sao chúng ta có thật nhiều những tiểu cảnh đẹp, giàu về nội dung, đẹp về hình thức để chúng ta sống lại những kỉ niệm thân thương. Phát triển tiểu cảnh là cầu nối xưa và nay. Phát triển tiểu cảnh ngày nay như một xu thế của nghệ thuật sinh vật cảnh Việt. Trong tương lai chú trọng khai thác nhiều chủ đề phong phú, đa dạng hơn, chắc chắn tiểu cảnh sẽ đóng góp lớn cho sự thành công của sinh vật cảnh nước nhà.

Bình luận