Hướng dẫn nuôi và chăm sóc rùa
Rùa nuôi thường có hai loại rùa cạn và rùa nước. Rùa cạn chỉ ăn chay (rau, hoa quả) còn rùa nước thì ăn tạp, từ thịt, cá, rau quả, đến tôm tép, giun ốc, dế,… Rùa cạn nuôi chậm lớn, còn rùa nước thì lớn rất mau nếu được chăm. Rùa có loại hiền (như rùa Vàng thường thấy ở Tam Đảo), loại dữ như rùa Tai đỏ, rùa hộp lưng đen,… Nuôi lâu, rùa quen người, quen nhà, rất nhanh nhẹn bò loanh quanh trong nhà bắt muỗi. Có người còn kỳ công dạy được rùa lúc đói biết đi vào bếp đòi ăn, lúc đi vệ sinh thì ra gần miệng cống, sáng tự ra sân phơi nắng, tối vào chuồng ngủ,…
1. Nuôi rùa để tạo vận may
Trong phong thủy, rùa là con vật may mắn và bảo vệ cho gia đình. Vì vậy, để thu hút tài lộc, vận may nhiều người đã tiến hành nuôi rùa. Thời phong kiến Trung Quốc, những gia đình giàu có, quan lại đều có ao rùa. Rùa được xem là con vật linh thiêng mang lại điểm lành và có năng lực bảo vệ rất mạnh. Vì vậy bất cứ ai nuôi rùa cũng đều có thể hưởng được sự may mắn từ nó mang lại.
So với thú chơi các loại động vật cảnh khác như cá cảnh và thủy sinh khác, nuôi rùa khá bình dân và ít tốn kém. Trong khi một con cá Rồng, cá La Hán giá lên tới vài triệu đồng, một con rùa chỉ có 10.000 đến 60.000 đồng một con. Nhiều người còn bắt được rùa trên núi nhân những chuyến du lịch hoặc mua ở Tam Đảo, Ba Vì,… với giá cực rẻ, chỉ vài nghìn/con. Hàng ngày, chỉ cần bớt ít thức ăn của người hoặc rau quả thừa là đủ cho rùa sống khỏe.
Công phu nhất là xây cho rùa một chỗ ở, nhưng cũng chỉ tốn chừng vài ba trăm ngàn, người nào chịu khó, khéo tay có thể tự tạo cho rùa một bể bằng xi măng hoặc bể kính, với sỏi, vài hang động cho rùa chui rúc hoặc gò cao cho rùa leo trèo, làm sao càng giống môi trường tự nhiên càng tốt.
Dù rùa là loại rất dễ nuôi nhưng nếu nuôi không đúng cách hoặc kém vệ sinh là rùa dễ bị bệnh và chết nhanh chóng.
2. Chăm sóc rùa
Mua một chậu nước bằng gốm sứ có đường kính khoảng 20 cm. Đổ nước đến nửa chậu và đặt một hòn đá nhỏ ở giữa để rùa vừa có thể ở trong nước vừa bò lên hòn đá trên mặt nước.
Nên thay nước ba lần một tuần. Nếu bạn sử dụng nước máy, thì nên để nước ra ngoài một thời gian, để chlorine bốc hơi hết hơi nước trước khi thay nước trong chậu. Thức ăn của rùa bao gồm các loại cá nhỏ hoặc rau xanh.
Bạn không cần thiết nuôi nhiều con rùa cùng một lúc, chỉ nên nuôi một con. Bởi vì số 1 là số của hướng Bắc, hướng phù hợp với rùa. Do đó về mặt phong thủy tốt nhất chỉ nên nuôi một con và đặt chậu ở hướng Bắc. Nếu rùa chết, bạn không cần lo lắng mà nên thay một con khác. Bởi vì rùa chết tức là đã làm xong nghĩa vụ bảo vệ gia đình bạn.
Rùa có thể nhịn ăn từ 3 đến 6 tháng và thức ăn của rùa cũng khá đơn giản gồm thịt, cá, rau quả. Đặc biệt đối với con qúy, thức ăn của nó chỉ thuần là rau quả.
Rùa cạn rất dễ nuôi. Mỗi ngày ăn 1 lần. Thực đơn của chúng thường là đậu, các loại trái cây, đu đủ, dưa hấu,… thịt xay một tuần cho ăn một lần. Đặc biệt rùa cạn rất thích ăn giun đất nhưng chúng ta không nên cho chúng ăn vì dễ bị tiêu chảy.
Thiên Lạc - Báo Mới